Nhận thức được sự nguy hiểm và thua thiệt khi đương đầu ôtô, tôi cố gắng từ bỏ dần xe máy.
Từ sau vụ container tông loạt xe máy dừng đèn đỏ khiến 4 người thiệt mạng tại một ngã tư ở Bến Lức (Long An), mỗi lần chạy xe máy ngoài đường là tôi luôn có cảm giác ám ảnh về một mối nguy hiểm nào đó ở sau lưng mình.
Mỗi ngày vượt 20km đi làm, băng qua ba ngã tư đông đúc, luôn có nhiều ôtô, xe đầu kéo container trên Xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) khiến tôi không thôi ám ảnh. Mỗi lần dừng chờ đèn đỏ là phải luôn nhìn trước ngó sau, mắt thì chực chờ nhìn kính hậu để nhỡ có biến thì né cho kịp.
Tôi có xem video vụ tai nạn ngày 4/3 tại trục đường chính đô thị Mê Linh, Hà Nội. Ôtô tông liên hoàn vào hai người đi xe máy, tiếp tục lao đi với tốc độ cao, va quẹt với một ôtô cùng chiều. Chiếc ôtô chỉ dừng lại khi leo lên dải phân cách và tông vào gốc cây.
Chiếc xe gây tai nạn liên hoàn cho hai xe máy.
Sau mỗi vụ tai nạn liên hoàn giống như trên, người ta hay nói “ôtô điên”, nhưng tôi nghĩ ôtô thì làm gì mà biết “điên”. Nó chỉ điên khi người cầm lái vô trách nhiệm mà thôi.
Những vụ tai nạn ôtô tông xe máy liên hoàn như thế này khiến tôi cảm thấy mạng sống của người đi xe máy thật sự quá mong manh. Sự cố xảy ra thì chúng tôi chịu thiệt nặng nề hơn người đi ôtô.
Mỗi người trên mỗi chiếc xe máy đều có nguy cơ gặp tai nạn như thế. Tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân gián tiếp và trực tiếp. Trực tiếp là nhiều tài xế ôtô vô trách nhiệm khi ngồi sau vô lăng, cố lái xe khi buồn ngủ, uống rượu bia, tinh thần không tỉnh táo. Gián tiếp có thể là: do học và cấp bằng lái ôtô chưa đủ nghiêm túc và khắt khe. Giá ôtô còn quá cao so với thu nhập phần lớn người dân và hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại.
Và rồi tôi nghĩ rằng trước khi đủ tiền mua ôtô để giữ an toàn cho bản thân, hoặc trông chờ vào ý thức của tài xế một cách may rủi, tôi nghĩ rằng mình cần hành động để giữ an toàn cho bản thân. Việc chủ động cần làm đó là: Hạn chế dùng xe máy một cách tối đa nhất có thể. Nếu quãng đường đi từ A đến B dưới 3km và không có việc gấp, tôi sẽ đi bộ, quãng đường dài hơn thì tôi sẽ dùng xe buýt để bảo vệ an toàn cho chính mình.
Ngọc Duy
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Nguồn: https://vnexpress.net/oto-dien-va-mang-song-mong-manh-cua-nguoi-di-xe-may-4244025.html
Tin liên quan:
- Người Việt sống chung với xe máy 30-40 năm nữa
- Exciter kẹp 5 tông dải phân cách, 4 người thiệt mạng
- Đây là Bimota Tesi H2 – người anh em mang phong cách Ý của Kawasaki H2
- Tài xế tông chết hai người đỗ xe máy bên đường
- Người điều khiển xe máy, xe đạp điện phải có bằng lái?
- Trộm xe máy của người đi tránh lũ
- Sôi động mảng xe máy điện tại Việt Nam