Tài xế lái ôtô không nhìn từ góc độ của người đi xe máy, và ngược lại người đi hai bánh cũng khó lòng hiểu góc nhìn của người lái bốn bánh.
Câu chuyện “ôtô hãy nhường cho xe máy một lối đi” của độc giả Nguyễn Hưng thật xúc động, ở đó chứa chan tình người. Nhưng anh Hưng là cá biệt, vì tôi tin rằng không nhiều người nghĩ được như vậy, khi ngày ngày họ vẫn chen nhau để điền vào bất cứ khoảng trống nào. Xung đột lợi ích triền miên ngày này qua năm khác khiến chúng ta ra đường như hai phe đối lập.
Chuyện này bắt nguồn từ đâu? Bản tính con người là ích kỷ, lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, đó là chuyện hiển nhiên, không có gì là xấu hay phải bàn cãi ở đây cả. Để dung hòa lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng, tức không ảnh hưởng lợi ích người khác, các Chính phủ mới sinh ra cái gọi là luật pháp, để ép mọi người sống trong cái khuôn khổ đó. Nếu không có pháp luật, chúng ta sống bằng bản năng, thì quần thể người sẽ chẳng khác gì quần thể động vật hoang dã ngoài kia cả.
Quay lại chuyện hai bánh với bốn bánh, việc hằn học chính là từ luật pháp chưa hoàn thiện và áp dụng chưa tới, ở đây bao gồm cả quy hoạch.
Đầu tiên cần nhớ, trong thành phố, hầu hết không có “làn trong cho ôtô, làn ngoài cho xe máy”, rất ít những tuyến đường phân làn theo phương tiện thế này. Ví như ở Hà Nội, hiện chỉ có một vài tuyến như Giải Phóng, Võ Chí Công là phân chia làn theo phương tiện. Vì thế, các bạn hãy quên cái khái niệm, ôtô chiếm làn xe máy, xe máy chen vào làn ôtô đi, nó đơn giản là làn hỗn hợp. Chỉ có một khái niệm là xe đi nhanh đi bên trái, đi chậm sang phải, thế thôi.
Vậy thì phải làm thế nào để không xung đột. Đơn giản thôi, vui vẻ xếp hàng chờ đợi. Ai sở hữu cả ôtô và xe máy, sử dụng thường xuyên cả hai phương tiện này sẽ thấy xếp hàng là điều xa xỉ và hầu hết người Việt.
Nếu chờ đèn đỏ, vui lòng đứng sau người khác. Đằng này, ôtô muốn tách sang làn bên cạnh vì có vẻ trống hơn, nhưng không tách được, đứng chéo thân xe, thế là tắc. Đi đúng làn là từ khóa. Làn đường rộng tới 3 mét, ôtô to lắm cũng chưa tới 2 mét, vẫn còn nhiều khoảng trống hai bên, xe máy có thể sử dụng, nhưng làm ơn lần lượt thôi, đừng chen vào. Ai đi ôtô hãy quan sát ngã tư tắc đường ở Thái Lan. Rất tắc, nhưng tất cả xếp thẳng hàng, nuối đuôi nhau, chứ không lộn xộn, nhao nhao như ở xứ mình.
Còn xe máy, đừng nhảy xe lên vỉa hè rồi lại ca bài ca ôtô chiếm hết làn xe máy. Vỉa hè không phải nơi dành cho xe máy, nó là của người đi bộ. Ôtô đã phủ kín các làn đường rồi đúng không? Vậy xe máy phải làm sao. Quá đơn giản, đứng phía sau mà đợi chứ làm sao nữa.
Một vấn đề duy nhất ngoài pháp luật, cần thông cảm đó chính là tình hình thời tiết khắc nghiệt: mưa gió, nắng nôi, lạnh giá. Ôtô ngồi mát mẻ, ấm áp hơn thì hãy nhường xe máy đi trước, hoặc chịu khó đợi phía sau, chẳng hạn vậy. Nhưng không có nghĩa, xe máy dàn hết cái bóng râm cách ngã tư vài chục mét và chắn hết lối đi của người khác, như thế thì không ai thông cảm được.
Chúng ta, chỉ có cách cố gắng mà làm việc, tích góp mua ôtô cho đỡ vất vả. Nếu người thu nhập thấp, đành đợi hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng, chứ cứ đi xe máy thì… hết cách.
Độc giả Hoàng Tùng
Nguồn: https://vnexpress.net/ly-do-nguoi-di-oto-va-xe-may-hay-han-hoc-nhau-4126615.html
Tin liên quan:
- Giá xe Honda SH 2020 giảm mạnh, người dân đua nhau đặt cọc giữ xe
- Tài xế tông chết hai người đỗ xe máy bên đường
- Top xe vượt địa hình cỡ nhỏ cho người mới bắt đầu
- Người lái xe máy vượt đèn đỏ bị phạt bao nhiêu năm 2020?
- Các “ông lớn” làng xe hai bánh đua nhau ra xe máy mới, hút khách dịp…
- Xe máy ngoại nhập đua nhau giảm giá
- Chưa đầy một tháng, Yamaha trình làng 2 mẫu nakedbike phân khối nhỏ "na ná" nhau ?